Tháng 7 năm 1776, Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ra đời, mở đầu bằng những tuyên bố hùng hồn của Thomas Jefferson:
“…Chúng tôi
khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng,
rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm,
trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Rằng để đảm bảo
cho những quyền lợi này, các chính quyền được lập ra trong nhân dân và
có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân, rằng bất
cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này,
thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên
một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức
thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối
với an toàn và hạnh phúc của họ.”
Giờ đây, người ta thường coi kiểu chính quyền “của dân, do dân, và vì dân” này như một lẽ đương nhiên.
Song đã bao giờ bạn đọc tự hỏi, từ đâu
mà con người sở hữu những quyền tự nhiên ấy, rồi tại sao chính quyền lại
phải gánh trách nhiệm đảm bảo các quyền của người dân, và bằng cớ nào
mà người dân có thể lật đổ một chính quyền?
Triết gia người Anh John Locke đã giải
đáp những câu hỏi trên thông qua danh tác chính trị “Khảo luận thứ hai
về chính quyền” của mình, ra đời vào năm 1689.
Các quyền đến từ đâu?
Theo Locke, con người thuở ban sơ đã
cùng sinh sống trong trạng thái tự nhiên, nơi không có chính quyền,
không có luật pháp, cũng không có những quan tòa.
Ở đó, tất cả con người, bởi với tư cách cùng là các tạo vật của Thượng đế, nên họ đều tự do và bình đẳng.
Sự tự do tự nhiên ấy không phải là phát
minh gì mới mẻ của John Locke. Mới từ thế kỷ 13, linh mục Sir Thomas
Aquinas đã bắt đầu diễn đạt về thần học tự nhiên. Ba thế kỷ sau, nhà
thần học người Anh Richard Hooker đã tiếp nối Aquinas mà đưa ra những
diễn giải về luật tự nhiên.
Cũng như Hooker, Locke tin rằng việc thiếu chính quyền và luật pháp không làm cho trạng thái tự nhiên chìm trong hỗn loạn. Tự nhiên có
luật lệ của riêng nó. Trật tự được duy trì bởi các luật tự nhiên mà
Locke gọi là một tập hợp các quy tắc đạo đức do Thượng đế mang lại, có
giá trị khách quan, áp dụng cho tất cả mọi người.
Thông qua lý trí, con người có thể khám phá ra luật tự nhiên này, từ đó hiểu rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng, tự do và độc lập, nên không ai có quyền làm hại đến sinh mạng, sức khỏe, tự do, và tài sản của người khác”.
Bởi trong trạng thái tự nhiên không có
các vị quan tòa đứng ra phán xử, nên con người ở đó còn giữ cả quyền
củng cố luật tự nhiên. Tức là, giả như một lúc nào đó họ cảm thấy quyền
của họ bị xâm phạm, thì họ có quyền tự phán quyết xem đâu là hình phạt
thích hợp, rồi cũng chính họ sẽ tự thực thi hình phạt đó.
Cớ gì con người lại rời bỏ trạng thái tự nhiên?
Tuy nhiên, trạng thái tự nhiên không êm thấm như ta tưởng.
Thật không may, bởi con người không phải
là một loài sinh vật hoàn toàn duy lý và khách quan, nên trạng thái tự
nhiên chứa đầy rẫy những khả năng xung đột.
Có những người sẵn sàng bất tuân luật
lệ, thế là họ xâm phạm các quyền tự nhiên của người khác: họ có thể cướp
bóc tài sản, nô dịch kẻ khác, hay thậm chí đánh giết lẫn nhau.
Trong trường hợp ấy, ta biết căn cứ vào
đâu để giải quyết ngoại trừ cái gọi là “luật tự nhiên” vốn mơ hồ, bất
thành văn, và ngầm định? Bởi thế, khi trở thành vị quan tòa trong trường
hợp của chính mình, con người rất có thể sẽ diễn giải luật tự nhiên
theo ý mình một cách thiên vị, chủ quan.
Kết quả là, trong trạng thái tự nhiên,
các quyền tự nhiên của con người không được đảm bảo. Thậm chí, những mối
đe dọa rình rập dễ làm trạng thái tự nhiên biến thành chiến tranh. Vì
vậy, con người rời bỏ trạng thái tự nhiên.
Rời trạng thái tự nhiên, con người sẽ đi đâu?
Dĩ nhiên tất cả những lý lẽ nêu trên đều là giả định của một vị triết gia chưa hề trải qua trạng thái tự nhiên.
Vào thời Locke sống, tức thế kỷ 17, xã
hội vốn đã có những trật tự riêng dưới chế độ chuyên chế của vua Charles
II rồi tới James II. Khi đó, Locke đang là bác sĩ cá nhân cho một chính
trị gia hàng đầu đảng Whig – một trong những đảng phái chính trị đầu tiên trên thế giới – là Bá tước Shaftesbury, người luôn tìm cách lật đổ Jame II khỏi ngai vàng.
Đối với những người ủng hộ đảng Whig,
chính quyền đương thời không được thiết lập dựa trên sự đồng thuận của
người dân. Bởi vậy mà sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688 lật đổ vua
James, “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của Locke được coi như tuyên
ngôn chính trị của cuộc cách mạng, về nguồn gốc của chính quyền.
Ấy là, chính quyền được sinh ra khi con người từ bỏ trạng thái tự nhiên của họ mà tham gia vào một khế ước xã hội.
Theo đó, xưa kia các cá nhân tự mình
phán xử và tự tay thực thi luật tự nhiên, thì nay họ trao các quyền ấy
cho cộng đồng do một chính quyền đại diện. Việc chuyển giao này dựa trên
sự đồng thuận tự nguyện: “Con người bởi bản chất là tự do, bình
đẳng, độc lập, nên không ai… bị buộc phải phục tùng quyền lực chính trị
của người khác, mà không có sự đồng thuận của anh ta”.
Locke cho rằng việc chuyển giao quyền
này xác minh mục đích của chính quyền: nó có trách nhiệm bảo vệ các
quyền tự nhiên của con người như là quyền sống, quyền tự do, và quyền sở
hữu – những nhiệm vụ mà trạng thái tự nhiên không làm được. “Mục
đích chính và vĩ đại mà con người liên kết thành một cộng đồng, và đặt
họ bên dưới một chính quyền, là để bảo vệ tài sản của họ.”
Nhưng ông cũng khẳng định “tất cả những điều này đều không hướng đến mục đích nào khác ngoài hòa bình, an ninh và sự tốt lành chung của mọi người”.
Để làm được điều đó, chính quyền cần
phải cung cấp một bộ luật để giải quyết các bất đồng, giải quyết bất
đồng như một quan tòa vô tư trên cơ sở của luật, và sử dụng sức mạnh của
mình để củng cố các luật lệ hợp pháp do cộng đồng tạo ra.
Làm sao để chính quyền không biến thành kẻ mạnh đàn áp người dân?
Trước cuốn khảo luận thứ hai này, John
Locke còn viết một tập “Khảo luận thứ nhất về chính quyền” nhằm phản
biện quan điểm về nguồn gốc quyền lực chính quyền của Sir Robert Filmer.
Trong tác phẩm Patriarcha, Filmer cho rằng bởi sở hữu thẩm quyền thần
thánh nên vua chúa có quyền cai trị các thần dân. Locke hoàn toàn bác bỏ
lập luận của Filmer, và cũng hoàn toàn phản đối kiểu chính quyền chuyên
chế ấy.
Song, dẫu không biện minh bằng quyền lực thần thánh, thì chính quyền
theo bản khế ước xã hội kia vẫn có thể đàn áp người dân. Với quyền lực
quá lớn trong tay, chính quyền hoàn toàn có thể vi phạm các quyền của
người dân ở mức độ lớn và rộng khắp. Mối đe dọa này kinh khiếp hơn nhiều
so với những rủi ro đụng độ trong trạng thái tự nhiên.
Rõ ràng, quyền lực luôn có khuynh hướng bị lạm dụng, như câu nói nổi tiếng của Lord Acton: “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.
Do đó, cách tốt nhất để giảm thiểu nạn lạm dụng quyền lực, theo Locke, là phải phân tán quyền lực.
Locke đề xuất giao quyền lực của chính quyền vào trong tay nhiều cơ
quan khác nhau, cụ thể là ba nhánh hành pháp, lập pháp, và liên minh độc
lập với nhau.
Về sau, cách phân chia này của Locke được triết gia Montesquieu
tiếp thu và trình bày trong cuốn “Tinh thần pháp luật”, với ba nhánh
quyền lực là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Đây cũng chính là mô hình phân quyền mà nền chính trị Mỹ đang áp dụng.
Làm gì khi chính quyền vượt quá phạm vi quyền lực của nó?
Nếu như Thomas Hobbes trong tác phẩm
“Leviathan” khẳng định rằng việc lật đổ một chính quyền sẽ dẫn tới tình
trạng vô chính phủ ngay tắp lự, thì cuộc Cách mạng Vinh quang lại không
đem tới cái kết quả tồi tệ ấy.
Vào những năm 1690, sau cuộc cách mạng,
người dân Anh đã chứng kiến cảnh chuyển mình tích cực của nền chính trị
quốc gia. Địa vị của Quốc hội gia tăng, trong khi uy quyền của nhà vua
ngày càng suy giảm. Chính nhờ vậy mà cuộc cách mạng lật đổ vua James II
không ngừng được ca tụng, còn “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của
John Locke – vốn được sinh ra để biện minh cho tính chính đáng của cuộc
cách mạng này – được đón nhận khắp nơi.
Chính thành công ấy càng củng cố cho quan điểm của Locke, khi trả lời cho câu hỏi trên, rằng “bất
cứ khi nào chính quyền tìm cách tước đoạt và phá hoại tài sản của người
dân, hoặc đẩy họ vào cảnh nô lệ dưới một thứ quyền hành tùy tiện, thì
chính quyền đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với người dân, do
vậy người dân không cần phải phục tùng chính quyền thêm nữa.”
Bởi dù đã giới hạn quyền lực chính quyền
bằng cách phân chia quyền lực, song điều đó vẫn không hoàn toàn đảm bảo
rằng chính quyền sẽ chỉ làm đúng cái phận sự của nó mà không phá rào.
Theo khế ước xã hội, quyền lực của chính
quyền đến từ sự ủy nhiệm của cộng đồng. Bất cứ khi nào chính quyền hành
động ngoài những quyền được cộng đồng ủy nhiệm, thì nó đang hành động
một cách tùy tiện, và quyền lực đó là bất hợp pháp.
Khi đó, không nghi ngờ gì nữa, người dân có quyền nổi dậy lật đổ cái chính quyền phi pháp ấy để giành lại quyền lực của mình, bởi “Quyền
lực tối cao vĩnh viễn nằm trong tay cộng đồng để bảo vệ người dân trước
những nỗ lực hay mưu đồ của bất kỳ ai – kể cả các nhà lập pháp của họ –
khi mà những người này trở nên quá ngu xuẩn hay quá độc ác khi thực
hiện những ý định chống lại các quyền tự do và sở hữu của người dân”.
Tuần tự trả lời một cách thấu đáo cho cả
năm câu hỏi trên, “Khảo luận thứ hai về chính quyền” của Locke đã đặt
ra một nền tảng lý thuyết vững chắc cho nguồn gốc, phạm vi, và mục đích
của chính quyền dân sự.
Không chỉ là lời biện hộ đầy sức thuyết phục cho cuộc Cách mạng Vinh quang tại
Anh – cuộc cách mạng đã thiết lập nên nhà nước tự do hiện đại đầu tiên
trên thế giới, mà “Khảo luận thứ hai về chính quyền” cũng chính là nguồn
cảm hứng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Hoa Kỳ.
—
Hiện trong các đầu sách Việt ngữ về John Locke, ngoài “Khảo luận thứ hai về chính quyền” do dịch giả Lê Tuấn Huy chuyển ngữ, còn có bản dịch “Vài suy nghĩ về giáo dục” của dịch giả Dương Văn Hóa và tác phẩm “Chat với John Locke” của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét