Nhân vừa rồi có vài hình ảnh của mình được chia sẻ trên
mạng, rất nhiều bạn đã vào khen trình độ PTS của mình làm thấy xấu hổ quá Trước hết xin cám ơn các bạn đã khen tặng,
nhưng mình xin khẳng định để làm được những bức hình như vậy, chỉ cần trình độ
PTS ở mức thường thường mà thôi, và sự thật là mình cũng chỉ biết một vài tool
cơ bản của Photoshop chứ không có gì cao siêu cả
Có thể các bạn nghĩ rằng mình nói điêu, rằng mình dấu nghề….
để khẳng định điều đó mình sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm và hiểu
biết của mình về thể loại này. Không với mục đích hướng dẫn hay dạy đời ai cả,
vì những cái này đều rất cơ bản nhiều người cũng biết rồi, chỉ là để chia sẻ và
học hỏi lẫn nhau mà thôi
Vậy để làm được một bức hình Manipulation (với trình độ
Amateur thôi! ) thì các bạn cần những thứ gì:
1. NGUỒN CẢM HỨNG:
Thể loại ảnh siêu tưởng, siêu thực (Manipulation) đã có từ
lâu, và khá phổ biến, nó chủ yếu đòi hỏi ý tưởng sáng tạo và trí tưởng tượng
phong phú của người thực hiện. Để có được nhiều ý tưởng phong phú và đa dạng,
các bạn cần tìm được nguồn cảm hứng cho riêng mình. Đó có thể là những suy nghĩ
khi ở một mình, những cảm xúc muốn bộc bạch với ai đó, những tình tiết thông
minh trong một cuốn truyện tranh, những hình ảnh kỳ lạ trong một giấc mơ hay
thậm trí là khi bạn…tự kỷ. Những hình ảnh trong đầu đó hãy thu thập lại đừng để
nó quên đi mất. Nhiệm vụ của bạn chỉ là cố gắng thể hiện lại nó cho người khác
xem và hiểu được bằng hình ảnh mà thôi
2. KHÔNG NGẠI BẮT CHƯỚC
Cũng giống như việc tìm kiếm nguồn cảm hứng, việc bắt chước
thực hiện lại một tác phẩm của ai đó (mà bạn thực sự thấy ứng ý) cũng giúp bạn
rất nhiều trong việc tìm ra ý tưởng mới cho riêng mình. Riêng việc cố gắng thực
hiện lại hình ảnh của người khác đã giúp các bạn tìm ra phương pháp và rèn
luyện kỹ năng của mình, đồng thời hiểu được ý đồ và cách tìm ra ý đồ của người
đã sáng tạo nên bức ảnh đó. Đừng cho rằng bắt chước người khác là không tốt,
phải biết học từ những cái có sẵn thì mới tạo ra cái chưa có được
3. BIẾT MÌNH ĐANG LÀM GÌ, SỰ CẦN THIẾT CỦA CONCEPT
Dân chơi ảnh không chuyên, chủ yếu chụp ảnh tuỳ vào cảm
hứng, vì vậy ít khi nghĩ tới việc chuẩn bị sẵn nội dung và lên concept cho ảnh
chụp. Nếu như chụp mẫu chỉ cần tạo dáng và chụp lia lịa các góc kiểu gì cũng có
ảnh đẹp, thì chụp hình để làm ảnh siêu thực đòi hỏi bạn phải có hình ảnh và nội
dung rõ ràng trong đầu trước khi thực hiện. Những ý tưởng có hấp dẫn hay không,
bức hình có đẹp hay không, phụ thuộc vào việc xây dựng hình ảnh đó trong đầu
bạn có được rõ ràng và chi tiết hay không.
Việc chuẩn bị concept và biết rõ mình đang làm gì còn giúp
các bạn tích kiệm được thời gian set up và hậu kỳ. Đừng bỏ qua bước quan trọng
này. Nếu như không thể phác hoạ hình ảnh trong đầu, cách tốt nhất là viết/vẽ nó
lên giấy
4. Ý TƯỞNG ĐIÊN RỒ CẦN NHỮNG CON NGƯỜI ĐIÊN RỒ
Bạn thử tượng tưởng một người khi xem hình của mình thấy đầu
văng một nơi, tay một nẻo, hay quần áo bay tan tác liệu họ có thích không? Khó
khăn của việc thực hiện những bức ảnh điên rồ là bạn phải tìm được những người
cũng điên rồ như bạn, sẵn sàng cộng tác và tuân thủ hoàn toàn yêu cầu của bạn.
Có như vậy mới có thể thành công được
5. NHỮNG THIẾT BỊ KHÔNG THỂ THIẾU
Ảnh manipulation là ảnh cắt ghép, vì vậy để làm được 1 bức
hình đòi hỏi bạn phải chụp nhiều hình cho nhiều layer khác nhau. Độ chính xác
của chủ thể và nền phải ở mức cao nhất, hạn chế thao tác không cần thiết khi
hậu kỳ. Vì vậy những thiết bị không thể thiếu khi chụp thể loại này là: TRIPOD
và REMOTE CONTROL. Nếu chưa có 2 thứ này hãy đi mua ngay nhé
6. SETUP TỈ MỈ, KHÔNG NGẠI CHỤP ĐI CHỤP LẠI 1 BỨC HÌNH
Với những hình ảnh đã có sẵn trong đầu hay concept, bạn hãy
cố gắng xác định càng chính xác càng tốt số lượng layer cần thiết khi hậu kỳ,
góc và cường độ của ánh sáng, tư thế và biểu cảm của mẫu hay chủ thể. Nếu chưa
được như ý, đừng ngại chụp lại. Hãy bỏ ngay suy nghĩ “chụp hỏng về Photoshop
lại một xíu là xong”. Có thể mất công một chút khi chụp, nhưng khi làm ảnh bạn
sẽ thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng. Bớt đi các thao tác không cần thiết (và có
thể là khó xử lý) khi làm hậu kỳ
* Một tips nhỏ nhưng cần thiết khi chụp ảnh cắt ghép là bạn
phải luôn nhớ đưa máy của mình về chế độ lấy nét bằng tay và chế độ chụp Manual
(hoặc khoá nét, khoá sáng sau khi chụp bức nền đầu tiên). Tránh việc chênh sáng
hoặc lấy nét không khớp khi cắt ghép nhiều hình chồng lên nhau
7. KỸ NĂNG PHOTOSHOP ĐỦ DÙNG
Đây có thể là mục mà nhiều bạn quan tâm. Nhưng nếu các bạn
thực hiện tốt các bước chuẩn bị như trên, thì chỉ cần sử dụng nhuần nhuyễn một
số tool cơ bản trên Photoshop như Select, move, transform, mặt nạ mask, brush,
blend option ... là quá đủ cho một bức hình đẹp. Làm màu thì cứ ...preset
Lightroom mà áp vào là nhanh nhất
* Lưu ý: khi cắt ghép, bạn cần để ý tới tỷ lệ giữa các đối
tượng, màu sắc và ánh sáng giữa các đối tượng cũng cần phải ăn khớp với nhau và
ĐỪNG BLEND MÀU NẾU NHƯ CHƯA CẮT GHÉP XONG. Việc làm màu phải thực hiện cuối
cùng, để tạo nên hiệu ứng tổng thể phủ lên tất cả các đối tượng được ghép sẽ
tăng tính thuyết phục hơn
8. KHÔNG NGẠI CHIA SẺ VÀ HỌC HỎI
Sáng tạo là vô biên, kỹ thuật cũng rất vô cùng. Bạn giỏi
nhưng có vô số người khác giỏi hơn đấy là điều chắc chắn. Tuy nhiên thể loại
này ngoài việc thể hiện kỹ thuật, thì lại ăn nhau ở ý tưởng. Vì vậy bạn đừng
ngại nếu như hình của mình chưa thực sự chỉnh chu, hãy chia sẻ cho nhiều người
và học hỏi từ họ. Kỹ năng thì có thể trau dồi phát triển được, còn ý tưởng thì
chưa chắc người ta đã bằng bạn, thể hiện được hình ảnh trong đầu mình cho người
khác hiểu và thích thú, vậy là bạn đã có bước đầu thành công rồi
Hãy không những sáng tạo, tìm ra ý tưởng mới, và không ngại
biến nó thành hiện thực. Biết đâu đến một ngày nào đó bạn lại trở thành nguồn
cảm hứng cho ai đó hahaa…
(from Maquan notes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét